Đã hơn nửa năm trôi qua kể từ khi thủ tục “Cấp phép nhập khẩu phân bón ngoài danh mục được phép sản xuất và kinh doanh” chính thức áp dụng theo Cơ chế một cửa Quốc gia (NSW), song đến nay các doanh nghiệp vẫn khá chật vật khi triển khai thực hiện.
Đến nay đã có 40 hồ sơ xin cấp phép NK phân bón được giải quyết hoàn tất theo NSW. Ảnh minh họa
Khổ vì dung lượng 2 Mb
Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Vũ Việt Hải, chuyên viên Bộ phận một cửa, Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết: Cập nhật đến ngày 2-8, đã có 127 hồ sơ xin cấp phép NK phân bón của 127 DN được triển khai theo NSW. Trong số đó, có 40 hồ sơ đã giải quyết xong, hoàn thành việc cấp phép. Các DN chủ yếu tham gia áp dụng NSW kể từ ngày 1-4 trở lại đây khi Cục Trồng trọt chính thức ra thông báo hoàn toàn tiến hành cấp phép theo hồ sơ điện tử, không làm hồ sơ giấy đối với các DN đã tham gia tập huấn. Về mặt thời gian, hiện nếu hồ sơ khai báo đầy đủ, chính xác, việc cấp phép diễn ra trong khoảng 5 ngày, giảm khá nhiều so với 1-2 tuần khi làm hồ sơ giấy trước đây.
Theo ông Hải, mặc dù cả cơ quan chức năng lẫn các DN đều có nhiều nỗ lực, song đến nay không ít vướng mắc về mặt kỹ thuật làm giảm hiệu quả của NSW. Điển hình là dung lượng thiết kế tối đa cho phép DN đính kèm tài liệu khi khai báo trên Cổng thông tin một cửa Quốc gia chỉ 2 Mb, trong khi đó các DN NK phân bón tài liệu đính kèm có khi lên tới 10 Mb, thậm chí 20 Mb. Hạn chế này khiến cho khâu khai báo hồ sơ ban đầu của DN khá chật vật bởi phải tìm mọi cách để nén hồ sơ lại. “Trong nhiều trường hợp, tài liệu được nén lại, gửi hồ sơ thành công nhưng phía Cục Trồng trọt nhận được lại khó khăn trong khâu thẩm định”, ông Hải nói.
Xung quanh vấn đề cấp phép NK phân bón theo NSW, đại diện một số DN bộc bạch: Sau khi đăng nhập vào tài khoản, để có thể tiếp tục khai báo hồ sơ, DN phải khai phân quyền chọn thủ tục thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay khi khai phân quyền, trên giao diện màn hình chính của Cổng thông tin một cửa Quốc gia được bố trí chưa thuận lợi, hiện ra rất nhiều Bộ với các thủ tục hành chính khác nhau. Muốn chọn được thủ tục cấp phép NK phân bón, DN phải kích chuột vào đúng logo của Bộ NN&PTNT, sau đó chọn tiếp. Các DN mong muốn khâu này đơn giản hơn, khi chọn phân quyền xong, màn hình chính sẽ hiện ra luôn các thủ tục của riêng Bộ NN&PTNT triển khai theo NSW để DN dễ dàng lựa chọn.
Chật vật khi chốt “cứng” cửa khẩu
Lựa chọn cửa khẩu/cảng biển NK phân bón cũng là một trong những khó khăn được nhiều DN đề cập tới. Hiện nay, khi khai báo hồ sơ, DN chỉ được chọn mặc định duy nhất một cửa khẩu/cảng biển. Tuy nhiên, trong quá trình NK thực tế, DN có thể phải thay đổi kế hoạch tiến hành NK hàng qua 2-3 cửa khẩu/cảng biển. Đến lúc này, việc thay đổi trên hồ sơ khá khó khăn. Vì vậy, các DN đề nghị ở phần khai báo hồ sơ ban đầu có thể cho phép DN linh động khi lựa chọn 3-4 cửa khẩu/cảng biển NK khác nhau để khi có sự thay đổi trong thực tiễn, DN dễ xoay xở.
Với những DN vừa được tập huấn tại thời điểm giữa tháng 6 vừa qua lại tỏ ra khá hào hứng với NSW. Theo một chuyên viên XNK của Công ty CP CNN TN: Mỗi năm, DN này sản xuất khoảng 100.000 tấn phân tổng hợp NPK, tương ứng với đó lượng nguyên liệu phải NK từ Trung Quốc cũng khá lớn. Đa phần các mặt hàng DN NK là loại hàng hóa quen thuộc đã được cấp phép nên tương đối thuận tiện, chỉ riêng Ure là mặt hàng cần xin cấp phép NK. Suốt thời gian qua, mặc dù có đầu mối bạn hàng thân thiết bên phía Trung Quốc nhưng DN này vẫn từ chối NK trực tiếp mà chỉ lấy lại hàng từ các DN NK khác bởi ngại ngần trong quá trình làm thủ tục.
“Mỗi năm nhu cầu sử dụng Ure của Công ty khoảng 10.000 tấn. Tính toán kỹ, nếu NK trực tiếp từ Trung Quốc, cân đối mọi yếu tố, DN có thể lợi ra 80.000 đồng/tấn so với cách lấy lại hàng hiện tại. Sau khi tham gia tập huấn về NSW, tôi nhận thấy nếu triển khai đúng như tinh thần nêu ra thì NSW khá thuận tiện, nhanh chóng, giải quyết được những lăn tăn của DN khi làm hồ sơ giấy. Dự kiến, trong năm 2017, tôi sẽ đề xuất lãnh đạo Công ty xem xét chuyển sang trực tiếp NK Ure theo NSW. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, tập huấn cho DN là Cục Trồng trọt song mặt hàng phân Ure hiện đang chịu sự quản lý của Bộ Công Thương. Để áp dụng NSW, DN phải tìm hiểu kỹ lưỡng hơn vấn đề này”, vị này nhấn mạnh.
Cùng chung quan điểm với chuyên viên XNK của Công ty CP CNN TN, ông Chu Hồng Quang, nhân viên Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đánh giá cao những lợi ích mà NSW đem lại. Trong thời gian tới, tùy vào chiến lược, chính sách của Công ty, nếu thủ tục thuận tiện, Công ty sẵn sàng áp dụng NSW.
>>Dịch vụ khai báo hải quan nào tốt nhất, uy tín nhất, chuyên nghiệp nhất, giá rẻ nhất hiện nay
Nguồn internet